Mục lục [Ẩn]
Web shell là gì? Đây là một tập mã độc được sử dụng bởi các hacker với mục đích duy trì hoặc tiến hành thêm các cuộc tấn công khác vào một ứng dụng web đã bị xâm hại. Cùng Nhân Hòa tìm hiểu rõ hơn về Web shell, cảnh báo các mối nguy hiểm và một số biện pháp phòng chống hiệu quả.
Web Shell là gì?
Web shell là một loại mã độc (malware) hoặc công cụ tấn công được sử dụng để kiểm soát một máy chủ web từ xa thông qua trình duyệt web. Một web shell thường được cài đặt vào máy chủ khi hacker khai thác được một lỗ hổng bảo mật trên một ứng dụng web, như lỗi SQL injection, file upload không kiểm soát hoặc các lỗi cấu hình khác.
Web shell có thể được viết bằng nhiều ngôn ngữ web, nhưng phổ biến nhất hiện nay là các web shell PHP. Các mã độc này có thể ảnh hưởng đến máy chủ web của bạn ngay cả khi hệ thống của bạn được thiết lập trên phần mềm tùy chỉnh hoặc các hệ thống CMS phổ biến như WordPress có plugin.
Các kẻ tấn công thông qua web shell thường tiến hành các hoạt động như đánh cắp thông tin, hủy hệ thống hoặc tiến hành các cuộc tấn công khác thông qua việc đưa máy chủ vào trạng thái nô lệ (botnet). Chính vì vậy, việc phát hiện và ngăn chặn tấn công sử dụng web shell là rất cần thiết để bảo vệ hệ thống và dữ liệu của bạn an toàn.
XEM THÊM: “Vạch trần” Hacker - 5 dấu hiệu hacker đang tấn công máy tính
[Hiểu rõ] Truy cập từ xa liên tục của Web Shell là gì?
Truy cập từ xa liên tục của Web Shell là kỹ thuật các hacker sử dụng để duy trì quyền truy cập từ xa đến hệ thống máy chủ web mà họ đã xâm nhập và cài đặt web shell từ trước. Kỹ thuật này cho phép các kẻ tấn công không cần phải khai thác lại các lỗ hổng bảo mật ban đầu. Thay vào đó, các tập lệnh web shell chứa backdoor được sử dụng để truy cập từ xa và điều khiển các máy chủ web bất cứ lúc nào.
Để các lỗ hổng này chỉ “độc quyền”, không ai khác có thể khai thác được, hacker có thể tự sửa các lỗ hổng đó. Các đối tượng này thường dùng một tài khoản riêng tư và tránh mọi tương tác với quản trị viên.
Các phương pháp phổ biến để duy trì truy cập từ xa của Web Shell:
- Cài đặt cửa hậu (Backdoor): Kẻ tấn công triển khai phần mềm độc hại để mở đường quay lại hệ thống mà không cần sự cho phép hợp pháp.
- Giả mạo giao diện đăng nhập: Sử dụng ứng dụng lừa đảo để thu thập thông tin đăng nhập và sử dụng chúng để truy cập hệ thống từ xa.
- Che giấu danh tính: Áp dụng các kỹ thuật như giả mạo địa chỉ IP hoặc sử dụng mạng ẩn danh nhằm tránh bị hệ thống bảo mật phát hiện.
Web shell có thể được sử dụng để duy trì một kênh truy cập liên tục và bảo mật cho kẻ tấn công, cho phép chúng duy trì quyền kiểm soát máy chủ mà không bị phát hiện trong thời gian dài. Để phòng ngừa, việc theo dõi và bảo trì hệ thống, cập nhật phần mềm bảo mật thường xuyên là rất quan trọng.
XEM THÊM: 8 hình thức tấn công mật khẩu active online CẦN BIẾT
Cách hacker sử dụng web shell để tấn công
Nâng cấp đặc quyền
Khi sử dụng Web Shell, hacker có thể thực hiện các cuộc tấn công để leo thang quyền hạn bằng cách tận dụng các lỗ hổng bảo mật trong hệ thống, từ đó đạt được quyền truy cập với đặc quyền cao hơn. Đặc biệt, đối với các hệ điều hành Linux và UNIX, mục tiêu là chiếm quyền superuser (root).
Khi đã có quyền root, hacker có thể thao tác tự do trên hệ thống, bao gồm việc quản lý các file, cài đặt phần mềm, thay đổi quyền truy cập, thêm hoặc xóa tài khoản người dùng, đánh cắp mật khẩu, đọc email và thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm khác.
Sử dụng tunnel để phát động các cuộc tấn công
Web Shell có thể được tận dụng để tạo ra các kênh kết nối ngầm, giúp hacker di chuyển linh hoạt trong hoặc ngoài mạng mục tiêu. Một trong những chiến lược phổ biến là giám sát (sniffing) lưu lượng mạng, quét các thiết bị trong mạng nội bộ để phát hiện các máy chủ và liệt kê các thiết bị mạng như firewall hoặc router.
Quá trình này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng vì hacker thường tìm cách che giấu danh tính và làm giảm sự chú ý đến các hành vi của mình. Khi đã chiếm quyền truy cập lâu dài, hacker có thể thoải mái thực hiện các hành động xấu mà không bị phát hiện.
Hệ thống bị tấn công có thể trở thành công cụ để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu bên ngoài mạng mục tiêu. Thêm vào đó, việc thực hiện tunneling qua nhiều hệ thống khác nhau khiến việc truy vết nguồn gốc của cuộc tấn công trở nên gần như không thể.
Sử dụng Botnet Web Shell
Web Shell còn được sử dụng theo cách khác là biến các máy chủ trở thành một phần của mạng botnet. Đây là một trong các thiết lập phổ biến được dùng cho các tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS).
Khi sử dụng botnet web shell, hacker sẽ chỉ sử dụng tài nguyên của máy tính và không lấy được lợi ích nào trong việc tác động và đánh cắp bất kỳ thứ gì từ hệ thống người dùng.
XEM THÊM: Tấn công DDos/Dos là gì? Các biện pháp [TỐT NHẤT] ngăn chặn DDoS tấn công
Các biện pháp phòng chống Web Shell
Có thể thấy web shell tấn công dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như bị đánh cắp thông tin, thiệt hại tài chính,... Do đó việc phòng chống web shell và rất cần thiết. Dưới đây là các cách để ngăn chặn loại mã độc này:
Kiểm tra và vá lỗ hổng bảo mật
Hệ thống và ứng dụng cần được kiểm tra thường xuyên để phát hiện và vá các lỗ hổng bảo mật. Các bản vá mới nhất từ nhà cung cấp cần được cập nhật kịp thời để giảm thiểu nguy cơ bị khai thác. Đặc biệt, chú ý tới các plugin và phần mềm bên thứ ba, vì đây thường là mục tiêu của kẻ tấn công.
Giám sát hệ thống và nhật ký
Giám sát hoạt động của hệ thống giúp phát hiện sớm các hành vi bất thường, như tải lên file không xác định hoặc truy vấn đáng ngờ. Các nhật ký (log) của máy chủ web nên được kiểm tra thường xuyên để tìm kiếm dấu hiệu của Web Shell hoặc các hành động trái phép.
Tường lửa ứng dụng web (WAF)
Tường lửa ứng dụng web là một công cụ hiệu quả để lọc và chặn các truy cập độc hại. WAF giúp bảo vệ hệ thống khỏi các cuộc tấn công thông qua việc phân tích các yêu cầu đến máy chủ và ngăn chặn các yêu cầu đáng ngờ.
Quản lý quyền truy cập từ xa
Chỉ cho phép truy cập từ xa từ các địa chỉ IP đáng tin cậy. Để tăng cường bảo mật, cần sử dụng xác thực hai yếu tố (2FA) và yêu cầu mật khẩu mạnh cho tất cả các tài khoản truy cập từ xa.
Quét và phát hiện mã độc thường xuyên
Sử dụng công cụ chuyên dụng để quét mã nguồn và phát hiện phần mềm độc hại. Nếu phát hiện file hoặc mã lạ, hãy kiểm tra và loại bỏ ngay lập tức để ngăn chặn Web Shell hoạt động.
Sao lưu dữ liệu định kỳ
Thực hiện sao lưu dữ liệu thường xuyên để đảm bảo có thể khôi phục hệ thống nhanh chóng khi bị tấn công. Sao lưu cần được lưu trữ ở các vị trí an toàn và đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu.
Lời kết
Trên đây Nhân Hòa đã giới thiệu đến bạn thông tin về web shell là gì, cách thủ thuật này hoạt động và biện pháp phòng chống hiệu quả. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn kiến thức để hiểu và thiết lập các biện pháp bảo vệ hệ thống web an toàn. Chúc bạn thành công!
Thông tin liên hệ Nhân Hòa:
+ Tổng đài: 1900 6680
+ Website: https://nhanhoa.com/
+ Fanpage: https://www.facebook.com/nhanhoacom
+ Chỉ đường: https://g.page/nhanhoacom
+ Khuyến mãi Nhân Hòa: https://nhanhoa.com/khuyen-mai.html